Phương pháp xử lý nước nhiễm phèn


Theo cách truyền thống, muốn xử lý nước người ta dùng bể lọc, trong đó có chứa cát, sỏi, than. Tuy vậy cách này không thể làm mất đi thành phần sắt trong nước, không khử được phèn, khi uống sẽ có mùi “tanh phèn”


Theo cách truyền thống, muốn xử lý nước người ta dùng bể lọc, trong đó có chứa cát, sỏi, than. Tuy vậy cách này không thể làm mất đi thành phần sắt trong nước, không khử được phèn, khi uống sẽ có mùi “tanh phèn”. Dựa theo nguyên lý lọc nước truyền thống, hệ thống xử lý nước tập trung, Trung tâm Nước sinh hoạt vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Tĩnh sáng tạo ra bể xử lý nước phèn, quy mô hộ gia đình, lọc được phèn trong nước.

Bể được xây bằng gạch và xi măng, với 3 ngăn - lắng, lọc và chứa, mỗi ngăn 0,35 - 0,49 m3, trong đó ngăn lắng có thể tích lớn nhất, ngăn lọc nhỏ nhất. Ngăn lắng được lắp đặt giàn phun mưa gồm một số đoạn ống có đục lỗ hoặc vòi hoa sen bằng nhựa có trên thị trường. Ngăn lọc có lớp sỏi đỡ (cỡ 5 - 10 cm) dày 10 cm, trên đó là lớp cát lọc (0,4 - 0,85 mm) dày 40 cm; và trên cùng là lớp cát mịn (0,15 - 0,3 mm) dày 20 cm. (Có thể đổ thêm một lớp than trên lớp sỏi, để khử mùi của nước). Ngăn này có lắp ống nhựa từ đáy lên, sao cho đầu ra nằm cao hơn lớp cát trên cùng một chút, để khi nước chảy qua ngăn thành phẩm đến cạn kiệt, không làm phơi mặt cát. Ngăn thành phẩm có nắp đậy.

Khi bơm từ giếng lên, nước chảy qua vòi sen, xuống bể lắng. Nhờ tiếp xúc với không khí, thành phần sắt trong nước bị oxy hóa. Nước được lắng cặn một phần, đến ngăn lọc, nước được lọc sạch cặn lơ lửng, trở nên trong, theo ống dẫn đến ngăn chứa nước thành phẩm.

Hệ thống này lọc được 4 - 5 m3 nước/ngày. Chi phí xây dựng cả hệ thống khoảng 3 triệu đồng. Nếu làm theo kiểu tiết kiệm thì chi phí thấp hơn.

Khi sử dụng bể xử lý nước phèn, mỗi tháng có một lần xả cặn, súc rửa ngăn lắng; hốt, rửa sạch lớp cát, dày khoảng 2 cm trên mặt bể lọc. Sau 6 - 7 tháng thì thay bằng lớp cát sạch (khoảng 6 cm) trên mặt. Sau một năm phải súc rửa ngăn thành phẩm.

Năm 2010 - 2011 trung tâm đã xây dựng 100 bể ở Kỳ Thọ, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Đầu năm 2011 xây được 54 bể ở Cẩm xuyên. Từ mô hình ban đầu, người dân đã nhân rộng ở nhiều địa phương với tài liệu hướng dẫn được trung tâm cấp phát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét